Trẻ sơ sinh nổi mẩn đỏ trên mặt thì mẹ phải làm gì?
Rôm sảy là bệnh ngoài da vô cùng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nốt rôm có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên nổi mẩn đỏ trên mặt là phổ biến nhất. Ban đầu nốt rôm chưa gây khó chịu cho bé, tuy nhiên nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ khiến bé quấy khóc, bỏ ăn vì ngứa ngáy, đau rát. Vì vậy mẹ cần có biện pháp xử lý nhanh nhất và sớm nhất cho bé.
1. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ
Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan gây ra tình trạng nổi mẩn đỏ ở trẻ, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến.
Do thân nhiệt cơ thể chưa ổn định và ống dẫn mồ hôi chưa hoàn chỉnh
Trẻ sơ sinh thường có thân nhiệt cao hơn người lớn, vì vậy có thể gây quá tải cho hệ thống bài tiết mồ hôi, mồ hôi nhiều trong ống tuyến mồ hôi và lỗ chân lông, kết hợp với bụi bẩn và chất nhờn sinh ra các nốt viêm, nốt mẩn đỏ.
Do mặc quần áo quá nhiều, quá nóng
Việc mặc nhiều quần áo khiến bé toát mồ hôi nhiều hơn, mồ hôi không thoát kịp làm tăng nguy cơ bị rôm sảy, mẩn đỏ. Cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra phần lưng, gáy của bé có nhiều mồ hôi hay không để kịp thời lau khô, thay quần áo phù hợp và điều chỉnh nhiệt độ phòng cho bé.
Do môi trường sống khói bụi, ô nhiễm
Với mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng tăng cao thì nguồn nước sử dụng cho bé cũng là vấn đề rất quan trọng. Nguồn nước ô nhiễm có thể gây kích ứng làn da nhạy cảm, mỏng manh đang hoàn thiện của con, từ đó tăng nguy cơ gây rôm sảy cho bé. Đồng thời, cha mẹ nên trang bị khẩu trang hoặc mũ chắn bụi cho bé khi ra ngoài, hạn chế khói bụi lên mặt bé.
Do sản phẩm tắm gội không phù hợp
Các sản phẩm tắm gội công nghiệp hiện nay thường chứa các chất tạo bọt, tạo hương, chất bảo quản…Việc sử dụng các sản phẩm này hằng ngày khiến da trẻ trở nên nhạy cảm, dễ kích ứng và mẩn đỏ hơn. Đồng thời việc tiếp xúc hoát chất quá sớm sẽ khiến lớp màng tự nhiên bảo vệ da của bé bị mòn mỏng đi.
2. Điều trị rôm sảy ở mặt cho trẻ
Rôm sảy không đáng lo, tuy nhiên cha mẹ cần có biện pháp xử lý nhanh chóng, tránh gây những biến chứng không đáng có. Dưới đây là một số giải pháp điều trị rôm sảy cho bé ngay tại nhà:
› Giữ vệ sinh sạch sẽ vùng da bị nổi rôm, đồng thời sát khuẩn thường xuyên bằng nước muối để ngăn ngừa ổ viêm mới xuất hiện.
› Cắt móng tay gọn gàng, không cho bé sờ tay lên mặt hay gãi ngứa gây rách ra, nhiễm trùng.
› Mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi; thường xuyên kiểm tra xem bé có bị ra mồ hôi lưng hay gáy không.
› Sử dụng các loại sữa tắm, nước giặt dịu nhẹ, an toàn cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên do bé đang trong thời gian nổi rôm nên cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để tránh gây kích ứng không đáng có.
› Sử dụng các bài tắm lá dân gian: Ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định bác sĩ, mẹ hoàn toàn có thể chữa rôm sảy cho con bằng các các loại lá tắm dân gian như tía tô, mướp đắng, kim ngân, sài đất,… Đây đều là các loại lá có tính mát, an toàn, lành tính, kháng viêm kháng khuẩn cực kỳ tốt, đặc biệt kháng sinh tự nhiên từ các loại lá này giúp phục hồi và bảo vệ da con luôn khoẻ mạnh.
Một số lưu ý khi cha mẹ tắm lá cho bé:
› Tìm kiếm nguồn lá sạch, không chứa thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật hay không bị nhiễm khói bụi ô nhiễm tránh gây tác dụng ngược.
› Rửa sạch lá với nước muối trước khi nấu. Sau khi nấu xong cần lọc kỹ để loại bỏ các cặn lá để tránh sót lại gây nhiễm khuẩn trên da con.
Trên đây là các nguyên nhân và cách điều trị khi trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở mặt của trẻ sơ sinh. Hy vọng bài viết đã cung cấp các thông tin hữu ích để cha mẹ có cái nhìn toàn diện và lựa chọn cho bé phương pháp điều trị phù hợp và đơn giản nhất.